Năm 2015, CJ Freshway Việt Nam nuôi ý định xuất khẩu một số loại trái cây cấp đông vào thị trường bán lẻ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, thời điểm đó, công ty không tìm được một đơn vị nào ở Việt Nam có thể đóng gói mặt hàng này với các trọng lượng nhỏ hơn một kg. Cánh cổng vào kênh bán lẻ của trái cây Việt đóng sầm lại vì cơ hội không đến lần thứ hai.
“Cơ hội vào năm đó mở ra nhưng mình không làm được nên nó qua đi. Thay vào đó, Thái Lan và Campuchia nhảy vào chiếm lĩnh mảng thị trường này. Đến nay, chúng ta vẫn cần phải cải thiện năng lực đóng gói các sản phẩm nhỏ vì anh bạn Campuchia của chúng ta đang làm việc này cực tốt”, bà Nguyễn Minh Phương , đại diện CJ Freshway Việt Nam chia sẻ tại buổi xúc tiến thương mại đưa nông sản Việt Nam vào chuỗi cung ứng Hàn Quốc mới diễn ra sáng 29/9 tại TP HCM.
Đến nay, việc đóng gói các loại nông sản thực phẩm xuất đi Hàn Quốc của Việt Nam không mấy cải thiện. Không chỉ yếu ở việc đóng gói các trọng lượng nhỏ như 80gr, 150gr, 200gr hay 250gr, với các dòng sản phẩm bán theo dạng nguyên liệu cần đóng các gói lớn dạng 500kg hay một tấn thì doanh nghiệp Việt cũng kém.
Tạm gác lại việc bán lẻ vào Hàn Quốc, CJ Freshway hiện tập trung bản bán sỉ cho kênh chế biến và nhà hàng. Tuy nhiên, bà Phương cho hay, chuyện bao bì đôi lúc vẫn đau đầu. Đơn cử như mặt hàng đu đủ muối. Để đóng thành các gói trọng lượng một tấn thì doanh nghiệp trong nước "bó tay".
Một mẫu bao bì bánh tráng được đánh giá là thiếu hấp dẫn, dịch ra tiếng Hàn còn ngô nghê. |
Không chỉ là năng lực công nghệ đóng gói, bản thân mẫu mã bao bì của nông sản thực phẩm Việt Nam đa phần cũng đang bị chê là lòe loẹt, sến và không am hiểu thị hiếu của khách Hàn Quốc. Theo ông Yoon Byung Soo – Giám đốc Phòng chiến lược sản phẩm của Lotte Mart Việt Nam, bao bì của hàng Việt không bằng Thái Lan, Trung Quốc hay Mỹ.
Trong khi bao bì quốc tế có xu hướng đơn giản hóa, màu sắc nhã nhặn thì ông Yoon Byung Soo nêu ví dụ các mặt hàng như kẹo dừa, mít sấy, bánh tránh, bún khô…được đưa vào hệ thống Lotte của Việt Nam có màu sắc rất sặc sỡ, không phù hợp với thị hiếu người Hàn Quốc. Thậm chí, một số mẫu mã được phiên dịch ra tiếng Hàn theo kiểu dịch tự động từng chữ, khiến người Hàn đọc vào vừa không hiểu lại thấy buồn cười.
“Doanh nghiệp cần chăm chút cho bao bì hơn so với hiện tại. Dù nâng cấp bao bì khiến giá tăng thêm 10% thì khách hàng họ vẫn sẽ mua. Chúng tôi có sản phẩm giấy vệ sinh, chất lượng bên trong không thay đổi nhưng sau 3 lần đổi bao bì thì doanh thu sản phẩm tăng lên đến 3 lần”, vị giám đốc cho biết.
Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu gần 1,4 tỷ USD nông sản thực phẩm vào Hàn Quốc. Không chỉ phải cạnh tranh về mẫu mã, bao bì với Campuchia, Thái Lan hay Trung Quốc, hàng Việt còn phải khá vất vả trong việc đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vô cùng khắt khe của thị trường này.
Ông Heo Song Moo – Tham tán An toàn thực phẩm và dược phẩm của Đại sứ quán Hàn Quốc cho biết, hàng rào kỹ thuật của chính phủ nước này thực tế còn không khó bằng người tiêu dùng. Người Hàn Quốc rất nhạy cảm trong vấn đề chất lượng. Nếu thực phẩm có dấu hiệu bất thường nào nhỏ thì họ cũng sẽ phản ánh ngay với cơ quan chức năng.
“Nông sản tươi như rau củ quả nhập vô Hàn Quốc là tuyệt đối không còn đất, ấu trùng, sâu bọ hay mùi dư lượng…Chỉ cần khi nhập cảng, mở cửa container mà họ thấy có một con sâu bò dưới sàn container thôi là phải tiêu hủy cả container hàng đó. Và chúng ta còn phải trả tiền để tiêu hủy nữa”, bà Phương nêu kinh nghiệm.
Ông Lê An Hải – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi cho biết, hàng hóa Việt Nam thực tế rất thuận lợi về chính sách khi được hưởng ưu đãi của Hiệp định tự do thương mại ASEAN – Hàn Quốc và Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – Hàn Quốc. Tuy nhiên, hàng Việt vào thị trường này còn thách thức bởi chất lượng không đồng đều khi cung ứng sản lượng lớn, chuỗi cung ứng nông nghiệp trong nước không mạnh bằng Thái Lan, Philippines hay Malaysia.
Nguồn vnexpress.net